Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.038 tỷ đồng (trong đó 5 dự án FDI với vốn đăng ký 28,5 triệu USD)...
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức họp thường kỳ tháng 5 năm 2023. Tại sự kiện này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP Quý I của Thừa Thiên - Huế ước đạt 6,61%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước 3,32%, đứng thứ 2/5 tỉnh/thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 08/14 tỉnh/thành Vùng Bắc trung bộ và duyên hải Miền Trung; dự báo GRDP Quý II tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 7,5 - 8,5%.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 5 của Thừa Thiên - Huế tăng so với tháng trước, nhưng giảm so với cùng kỳ. tính chung 5 tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh này giảm, tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu tập trung nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may do nguồn đơn hàng xuất khẩu của các công ty may mặc sụt giảm mạnh.
Hiện nay, nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Thừa Thiên - Huế như: dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện... đều giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do bị thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm lao động và hoạt động cầm chừng, ngành xi măng thị trường tiêu thụ tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng; bên cạnh đó, lãi suất vay cao nên các công trình xây dựng nhà ở, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh giảm mạnh.
Đặc biệt, các đối tác tại các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Trung Quốc,...đang tạm dừng nhập khẩu hoặc hạ giá sản phẩm, các doanh nghiệp tồn kho sản phẩm rất lớn nên phải cắt giảm sản xuất chờ tiêu thụ sản phẩm.
Hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc. Trong tháng 5, lượng khách du lịch tăng 1,3% so với tháng trước, tăng gần 95% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch ước đạt 690 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.
Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.038 tỷ đồng (trong đó 5 dự án FDI với vốn đăng ký 28,5 triệu USD).
Tính đến 25/5, có 310 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.547 tỷ đồng, giảm 10,7% về lượng và giảm 39,9% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 175 doanh nghiệp, giảm 126 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 338 doanh nghiệp, tăng 6 doanh nghiệp; giải thể 56 doanh nghiệp, giảm 6 doanh nghiệp.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 25/5 tỉnh này đã giải ngân 1.356,144 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 22,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, đã giải ngân các nguồn vốn giao bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh này năm 2021, 2022 là 238,834/829,703 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch.
Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao đến nay là 7.209,294 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 1.668,874 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch. Dự kiến, đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh đạt khoảng 40%.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục để phân bổ chi tiết số vốn kế hoạch 2023 còn lại theo quy định; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 thu ngân sách nhà nước đạt từ 8.450 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng.