Những tháng đầu năm 2025, thành phố Huế chứng kiến hàng loạt dự án trọng điểm được khởi công, động thổ và đưa vào vận hành, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng giúp thu hút nhiều dự án quy mô lớn và chất lượng cao.
Năm 2024, thành phố Huế đã cấp phép mới cho 36 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 12.541 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án FDI. Đồng thời, thành phố cũng đã chấp thuận nhà đầu tư cho 13 dự án khác.
Nhiều dự án lớn đã được triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiêu biểu như: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza (tổng vốn 2.187 tỷ đồng). Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương (tổng vốn 2.000 tỷ đồng). Trung tâm Logistics Chân Mây (tổng vốn 1.514 tỷ đồng). Hai dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị An Vân Dương. Trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn. Tổ hợp giáo dục FPT Huế.
Những dự án này không chỉ tạo hàng trăm việc làm mới mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số của thành phố.


Thành phố Huế làm việc với Tập đoàn FPT về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của Huế đạt hiệu quả rõ nét nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương. Bốn tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho biết thành phố đang tập trung đẩy nhanh thủ tục đối với các dự án trọng điểm như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế (giai đoạn 2, 3), Nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2, 3), KCN Gilimex, KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các dự án hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, thu tiền sử dụng đất trong năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục khởi công các dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố Huế. Tiêu biểu là Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza, Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương, Trung tâm Logistics Chân Mây, hai dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị An Vân Dương với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật Cầu vượt sông Hương thuộc dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương.
Trong năm 2025, thành phố Huế tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thành phố tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên nhiều lĩnh vực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 gồm 8 nhóm nội dung chính: Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Tạo lập các ấn phẩm, tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Hợp tác quốc tế về xúc tiến đầu tư…


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương tham quan các gian hàng tại buổi gặp mặt Hội đồng hương Huế tại thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương khẳng định, Thành phố luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp chính là sự thành công của địa phương. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai dự án thành công.
Với quyết tâm cao và chiến lược bài bản, thành phố Huế đang vững bước trên hành trình trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.